Tìm hiểu về chi phí sử dụng vốn bình quân WACC và cách tính WACC

    Khi tìm hiểu về tài chính doanh nghiệp, một trong những việc cần làm của các nhà đầu tư chính là đọc báo cáo tài chính và tìm hiểu về các chỉ số. Chỉ số tài chính góp phần quan trọng trong việc giúp nhà đầu tư đánh giá được tình hình tài chính của công ty, từ đó đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp và kịp thời. Một trong những chỉ số tài chính quan trọng không thể thiếu chính là chỉ số WACC (chi phí sử dụng vốn bình quân). Bài viết sau đây sẽ cung cấp những kiến thức tổng quan về chỉ số WACC, từ đó giúp bạn đọc có thêm kiến thức và nắm được cách áp dụng chỉ số này trong việc đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp cũng như phục vụ cho việc ra quyết định đầu tư.

    1) Chi phí sử dụng vốn bình quân WACC là gì?

    Chi phí sử dụng vốn bình quân (Weighted Average Cost of Capital – WACC) là chi phí sử dụng vốn được tính toán dựa trên tỉ trọng các loại vốn mà doanh nghiệp sử dụng.

    Các loại vốn trong doanh nghiệp thường gồm:

    ·      Cổ phiếu thường

    ·      Cổ phiếu ưu đãi

    ·      Biếu tặng, viện trợ

    ·      Trái phiếu

    ·      Nợ vay

    ·      Các khoản nợ dài hạn khác


    2) Công thức tính chi phí sử dụng vốn bình quân WACC

    Chi phí sử dụng vốn bình quân được xác định bởi công thức:

    WACC = (E/V) x KE + (D/V) x KD x (1 - Tc)

    Trong đó:

    ·               KE: Chi phí sử dụng vốn cổ phần

    ·               KD: Chi phí sử dụng nợ vay

    ·               E: Giá trị thị trường của vốn cổ phần

    ·               D: Giá trị thị trường của nợ vay

    ·               V: Tổng số vốn dài hạn của doanh nghiệp (V = E + D)

    ·               E/V: Chỉ số phản ánh tỷ lệ tài chính theo vốn chủ sở hữu

    ·               D/V: Chỉ số phản ánh tỷ lệ tài chính theo nợ phải trả

    ·               Tc: Thuế xuất thuế thu nhập doanh nghiệp


    Ví dụ minh họa công thức tính WACC:

    Doanh nghiệp ABC có tổng nguồn vốn là 10 tỷ đồng được hình thành từ các nguồn cơ bản như sau:

    Nguồn vốn

    Giá trị (triệu đồng)

    Tỷ trọng (%)

    Vốn vay

    4.500

    45%

    Vốn chủ sở hữu

    5.500

    55%

    Cộng

    10.000

    100%

    Theo tính toán, ta có:

    Chi phí sử dụng vốn vay trước thuế: 10%/năm.

    Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu: 13,4%.

    Thuế thu nhập doanh nghiệp: 20%/năm.

    Khi đó chi phí sử dụng vốn bình quân WACC:

    55% x 13,4% + 45% x 10% x (1 – 20%) = 10,97%

    Từ công thức tính trên, ta có thể thấy rằng, mục đích của chỉ số WACC chính là để xác định chi phí của từng cấu trúc vốn của doanh nghiệp dựa trên tỉ lệ vốn chủ sở hữu, nợ phải trả. Mỗi thành phần sẽ có một chi phí riêng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trả lãi suất cố định cho các khoản nợ, cộng thêm lãi xuất cố định trên cổ phiếu của doanh nghiệp. Vì vậy, chi phí sử dụng vốn bình quân còn có thể tính bằng cách tách cấu trúc vốn của công ty thành những phần khác nhau và tính chi phí cho mỗi thành phần riêng.

    3) Ý nghĩa chỉ số WACC

    WACC là một trong những chỉ số quan trọng đối với các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực kinh doanh. Bằng cách tính toán và hiểu chỉ số WACC, chúng ta có thể biết được một công ty sẽ bỏ ra bao nhiêu chi phí cho mỗi đồng tiền được tài trợ.

    Ngoài ra, WACC còn được sử dụng làm tỷ suất chiết khấu, phục vụ cho việc tính giá trị dòng tiền hiện tại, từ đó giúp cho doanh nghiệp tính toán, so sánh và đưa ra được quyết định đầu tư phù hợp.

    Thông thường, doanh nghiệp thường sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ có chi phí thấp để làm giảm giá trị của chỉ số WACC. Một trong những cách phổ biến chính là phát hành trái phiếu thay vì phát hành cổ phiếu nếu mức lãi suất của trái phiếu thấp hơn.

    Không chỉ vậy, WACC cũng là một chỉ số rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá các cơ hội đầu tư sinh lời bởi chỉ số này đại diện cho chi phí cơ hội của doanh nghiệp. WACC sẽ đóng vai trò như một tỉ suất sinh lợi tối thiểu giúp doanh nghiệp đánh giá việc sát nhập và mua lại các công ty khác cũng như đánh giá hiệu suất và khả năng sinh lời của các khoản đầu tư nội bộ.


    4) Những đối tượng nào nên sử dụng chỉ số WACC

    Nhà phân tích chứng khoán

    Các nhà phân tích chứng khoán sử dụng chỉ số WACC khi đánh giá khả năng sinh lời của các khoản đầu tư và dùng chỉ số WACC để phục vụ cho việc đưa ra quyết định nên mua cổ phiếu nào. Ví dụ: trong phân tích dòng tiền chiết khấu, chỉ số WACC được sử dụng để làm tỷ lệ chiết khấu phục vụ cho việc tính giá trị hiện tại của dòng tiền. Ngoài ra, chỉ số WACC có thể dùng để đánh giá hiệu suất ROIC hay tính toán chỉ số EVA.

    Nhà đầu tư:

    Đối với các nhà đầu tư, WACC được sử dụng như một chỉ báo về việc liệu một khoản đầu tư có đáng để thực hiện hay không. Để xác định lợi nhuận cá nhân của nhà đầu tư vào một khoản đầu tư của công ty, chỉ cần trừ WACC ra khỏi tỷ lệ phần trăm lợi nhuận của công ty đó.  Ví dụ: một công ty mang lại lợi nhuận 20% và có WACC là 11%, điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận mà công ty đang thu về là 9% cho mỗi đồng mà công ty đang đầu tư, chứng tỏ khoản đầu tư của công ty đang có lãi. Ở một trường hợp khác, nếu lợi nhuận của công ty nhỏ hơn so với giá trị của chỉ số WACC (lợi nhuận 11% và WACC 17%) công ty sẽ bị mất 6% cho mỗi đồng chi tiêu, điều này phản ánh việc công ty đang làm ăn thua lỗ, và trong trường hợp này, các nhà đầu tư khôn ngoan nên bỏ tiền của họ vào khoản đầu tư khác.

    Chỉ số WACC có thể được sử dụng như một công cụ kiểm tra thực tế cho các nhà đầu tư, tuy nhiên để tính toán chỉ số WACC một cách chính xác để có cái nhìn đúng đắn về một công ty, nhà đầu tư cần kết hợp với các chỉ số tài chính khác cũng như tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về công ty đó. Nhưng không thể phủ nhận rằng, việc tính toán và hiểu chỉ số WACC sẽ giúp ích cho nhà đầu tư rất nhiều trong việc đọc và hiểu báo cáo tài chính của công ty đang nghiên cứu.


    5) Ưu nhược điểm khi sử dụng chỉ số WACC

    Ưu điểm:

    Trước khi quyết định giao dịch, nhà đầu tư chứng khoán thường có xu hướng sử dụng chỉ số WACC để xác định rủi ro khi mua cổ phiếu. Ngoài ra, khi phân tích dòng tiền chiết khấu, WACC được tính để xác định giá trị hiện tại của doanh nghiệp. Mặt khác, WACC còn được sử dụng để hỗ trợ tính toán mức độ tăng tưởng kinh tế EVA.

    Một số nhà đầu tư dùng WACC để đánh giá lợi nhuận tiềm năng mà một khoản đầu tư có thể mang lại. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ số WACC có ý nghĩa tương tự như tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu có thể chấp nhập được khi đầu tư vào một doanh nghiệp

    Chính vì những lợi ích trên, chỉ số WACC được sử dụng như một công cụ kiểm tra tính hiệu quả của một khoản đầu tư. Cách tính toán đơn giản, dễ thực hiện, không yêu cầu quá nhiều thông tin chi tiết, phù hợp với mọi nhà đầu tư từ không chuyên đến chuyên nghiệp. Dựa vào chỉ số WACC, nhà đầu tư sẽ phần nào đánh giá chính xác hơn số liệu trong báo cáo tài chính của một công ty.

    Nhược điểm:

    Do các các thành phần nhất định của công thức như vốn cổ phần không phải là một giá trị nhất quán, nên những người khác nhau có thể đưa ra giá trị chỉ số WACC khác nhau. Vì vậy, nhà đầu tư nên sử dụng chỉ số WACC kết hợp với những chỉ số khác để việc ra quyết định đầu tư được thực hiện một cách hiệu quả.


    Kết luận

    Trên đây là tổng quan kiến thức về chi phí sử dụng vốn bình quân WACC. Qua bài viết này, hi vọng người đọc có thể có một cái nhìn tổng quan về chỉ số WACC, đồng thời nắm được cách tính để có thể áp dụng một cách phù hợp nhất. Chúc mọi người thành công!

    Comments

    • December 7, 8.00
      D. jhon shikon milon

      Is this article helpful to you?

      LikeReply