Vốn hoá là gì? Ý nghĩa của vốn hoá thị trường trong tài chính
Vốn hoá hay được hiểu đơn giản là phần vốn cần thiết để một doanh nghiệp có thể sản xuất hàng hoá hoặc triển khai dịch vụ mà họ cung cấp. Trong khi đó, vốn hoá thị trường (market capitalization) mang hàm ý liên quan đến thị trường đầu tư tài chính. Vậy vốn hoá là gì và có điểm nào khác biệt so với vốn hoá thị trường? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu chi tiết trong chủ đề hôm nay.
1. Tìm hiểu về vốn hoá thị trường
Cùng tìm hiểu vốn hoá là gì và ý nghĩa của vốn hoá thị trường trong quyết định lựa chọn danh mục đầu tư của nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán.
a.Vốn hóa là gì?
Trong tài chính, vốn hóa (Capitalization) là tổng nợ và vốn chủ sở hữu của một công ty. Nó thể hiện số vốn đầu tư vào công ty, bao gồm trái phiếu và cổ phiếu. Vốn hóa cũng có thể được hiểu là vốn hóa thị trường (market capitalization hay market cap), được đo bằng tổng giá trị cổ phiếu mà một doanh nghiệp phát hành trong nước. Được tính bằng cách lấy tổng số cổ phiếu hiện có trên thị trường nhân với giá cổ phiếu.
b. Vốn hóa thị trường phân theo nhóm
Doanh nghiệp tham gia vào thị trường chứng khoán được phân loại dựa trên quy mô vốn hóa thị trường. Có sáu nhóm vốn hóa cơ bản trên thị trường:
- Mega Cap: Vốn hóa thị trường trên 200 tỷ USD.
- Big/Large Cap: 10 tỷ đến 200 tỷ USD
- Mid Cap: 2 tỷ đến 10 tỷ USD
- Small Cap: 300 triệu đến 2 tỷ USD
- Micro Cap: 50 triệu đến 300 triệu USD
- Nano Cap: Ít hơn 50 triệu USD
Tại Việt Nam, vốn hoá thị trường được phân nhóm như sau:
- Large Cap: Vốn hóa thị trường lớn hơn 10.000 tỷ đồng (CTCP Vinhomes - VHM; CTCP Vingroup - VIC; VIETCOMBANK - VCB; …)
- Mid Cap: 1.000 tỷ đến 10.000 tỷ đồng.
- Small Cap: 100 tỷ đến 1.000 tỷ đồng.
- Micro Cap: Vốn hóa < 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, để dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư khi lựa chọn giao dịch, các sàn giao dịch chứng khoán chính như HOSE xây dựng rổ cổ phiếu dựa trên tỷ lệ market cap. Được hiểu như sau:
- Large Cap (VN30): Nhóm chiếm 70% tổng thị trường, đo lường 30 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn hoá lớn nhất trên thị trường, cùng với tính thanh khoản cao nhất.
- VN Midcap: chỉ số đo lường 70 doanh nghiệp có vốn hoá thị trường mức trung bình tại Việt Nam.
- VN100: xếp hạng 100 công ty, 30 thuộc nhóm VN30 và 70 thuộc nhóm VNMidcap.
- VN SmallCap: đo lường tăng trưởng vốn hoá ở những doanh nghiệp nhỏ.
2. Ý nghĩa của vốn hoá thị trường
Vốn hóa thị trường cho phép nhà đầu tư so sánh quy mô tương đối của công ty này so với công ty khác, đồng thời đo lường giá trị của một công ty trên thị trường chứng khoán và mức giá nhà đầu tư sẵn sàng trả cho cổ phiếu của công ty đó.
Nhiều người nhầm tưởng giá của tổng số cổ phiếu phát hành trên thị trường đại diện cho định giá của doanh nghiệp, sức khỏe và sự ổn định. Mức giá cổ phiếu cao hơn cho thấy sức mạnh của công ty lớn hơn hoặc giá cổ phiếu thấp hơn sẽ mang lại một khoản đầu tư hời. Tuy nhiên, đây lại không phải là cách đánh giá chính xác độ lớn mạnh của một doanh nghiệp - giá cổ phiếu không đại diện cho giá trị thực tế của một công ty. Giá cổ phiếu cao không đồng nghĩa doanh nghiệp này mạnh. Thay vào đó cần dựa trên tỷ lệ vốn hóa thị trường. Hãy xem ví dụ bên dưới.
Ví dụ: Quý 3/2020, giá cổ phiếu của Công ty PepsiCo là 139USD trong khi Coca-Cola là 49USD. Tuy nhiên, vốn hóa thị trường của Coca-Cola ở phía bắc là 220 tỷ USD trong khi của Pepsi chỉ là hơn 188 tỷ USD.
Hoặc, trong phần đóng khung đỏ ở hình trên, có thể thấy giá cổ phiếu mới nhất Tập đoàn Hòa Phát trị giá 48.400 đồng, trong khi giá cổ phiếu của Vinamilk (mã VNM) có giá cao hơn gần gấp đôi 87.200 đồng. Tuy nhiên, xét về vốn hoá thị trường (market cap), Tập đoàn Hòa Phát có vốn hoá lớn hơn so với Vinamilk bởi số lượng cổ phiếu cao hơn đáng kể (20.202 triệu so với 4.261 triệu cổ phiếu). Chính vì thế, nhà đầu tư không nên chỉ dựa vào giá trị mỗi cổ phiếu để ra quyết định có nên đầu tư cho cổ phiếu nào hay không.
3. So sánh vốn hóa thị trường và giá trị doanh nghiệp
Giá trị doanh nghiệp đòi hỏi quá trình tính toán phức tạp hơn, nhưng lại cung cấp bức tranh tổng thể, rõ ràng về giá trị của một công ty. Cụ thể, giá trị thị trường (market value) có thể được đánh giá bằng cách sử dụng các yếu tố như giá trên thu nhập, lợi tức trên vốn chủ sở hữu và các yếu tố khác. Ngoài ra, còn cần xem xét các chỉ số khác bao gồm trái phiếu đang lưu hành, nợ công ty, trả lãi và thậm chí cả tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Giá trị thị trường cũng có xu hướng biến động theo thời gian, đặc biệt là trong thời kỳ thị trường gấu (bear market) và suy thoái.
Giá trị doanh nghiệp (business value) chủ yếu được sử dụng để xác định giá của một công ty nếu nó được mua lại hoàn toàn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có kinh nghiệm có thể sử dụng giá trị doanh nghiệp cùng với dữ liệu hiệu suất khác để xác định xem giá cổ phiếu hiện đang được định giá thấp hơn hoặc quá cao so với các công ty tương tự.
4. Chiến lược đầu tư theo vốn hoá
Có nhiều chiến lược nhà đầu tư có thể cân nhắc khi lựa chọn danh mục đầu tư, trong số đó phần đông đều dựa trên tỷ lệ vốn hóa thị trường. Có ba danh mục vốn hóa thị trường phổ biến thường được sử dụng khi đánh giá danh mục đầu tư tại Việt Nam, bao gồm: vốn hóa nhỏ, vốn hóa trung bình và vốn hóa lớn.
Nhìn chung, việc mua cổ phiếu từ các công ty vốn hóa nhỏ thường là những khoản đầu tư mang nhiều rủi ro hơn so với cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn hóa lớn. Mặc dù lợi nhuận mang lại có thể cao, nhưng sự biến động của cổ phiếu cũng cực kỳ lớn. Chính vì thế, trước khi quyết định lựa chọn danh mục đầu tư dựa trên vốn hoá, ngoài việc hiểu rõ vốn hoá là gì, nhà đầu tư cần cân nhắc các vấn đề sau:
- Năng lực tài chính cá nhân, số tiền có thể đầu tư
- Mục tiêu lợi nhuận đạt được
- Khả năng chấp nhận rủi ro
- Kiến thức và thời gian dành để nghiên cứu về đầu tư chứng khoán.
Mỗi nhà đầu tư sẽ có các mục tiêu và chiến lược đầu tư tài chính khác nhau. Chính vì thế các yếu tố trên chỉ phác thảo cơ bản phần nào bức tranh lợi nhuận mong muốn của mỗi người. Trong trường hợp gặp phải khó khăn khi tìm hiểu về đầu tư tài chính, hoặc lo lắng trước khi ra quyết định mua hoặc bán, đừng bỏ qua việc tham khảo những nhà tư vấn hoặc các chuyên gia đầu tư trên thị trường. Điều này giúp các nhà đầu tư mới tránh khỏi thua lỗ nặng và nhanh chóng đạt được mục đích lợi nhuận đề ra.
Lời kết
Vốn hoá thị trường là một trong những kiến thức cơ bản nhà đầu tư cần nắm trước khi lựa chọn bất kỳ doanh nghiệp nào trong danh mục đầu tư. Hiểu rõ khái niệm vốn hoá là gì không chỉ giúp nhà đầu tư đạt được mục tiêu của mình, nhưng còn né tránh các rủi ro không mong muốn. Biết được mục tiêu tài chính của mình là gì và doanh nghiệp nào có thể giúp mình đạt được mục tiêu mong muốn là yếu tố mang lại thành công cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về thị trường chứng khoán. Đừng quên, nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc tìm hiểu kiến thức về đầu tư, hãy lựa chọn sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn.
Comments
D. jhon shikon milon
Is this article helpful to you?
LikeReply