Tổng quan về chỉ số Nasdaq và sàn Nasdaq trên thị trường chứng khoán Mỹ
Đối với những nhà đầu tư quan tâm đến thị trường chứng khoán quốc tế hoặc Forex thì có lẽ NYSE hay NASDAQ không còn quá xa lạ. Giống như những sàn giao dịch chứng khoán khác, 2 gã khổng lồ của nước Mỹ cũng sở hữu những chỉ số đặc trưng phản ánh hiệu suất hoạt động của thị trường. Bên cạnh bộ chỉ số Dow Jones vô cùng nổi tiếng của NYSE thì bộ chỉ số Nasdaq của sàn NASDAQ cũng lừng danh không kém. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin đặc trưng về chỉ số Nasdaq nói riêng và thị trường tài chính Mỹ nói chung.
1. Sàn Nasdaq là gì?
Sàn NASDAQ được thành lập vào năm 1971 bởi Hiệp hội Quốc gia các Nhà buôn Chứng khoán Mỹ (NASD), NASDAQ - National Association of Securities Dealers Automated Quotation, là một sàn giao dịch chứng khoán lớn tại Mỹ. Hiện tại, NASDAQ xếp thứ hai chỉ sau Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) trong danh sách các sàn giao dịch chứng khoán theo vốn hóa thị trường của các cổ phiếu được giao dịch. Hiểu đơn giản, NASDAQ cũng giữ chức năng và vai trò tương tự như sàn HOSE của Việt Nam.
NASDAQ - sàn chứng khoán tiên phong về giao dịch điện tử
Vào thời điểm ra đời, sàn NASDAQ đã rất khác biệt so với các sàn chứng khoán truyền thống trong thập niên 70. Thay vì giao dịch, khớp lệnh tại quầy như tất cả các sàn chứng khoán quốc tế vào thời điểm đó, NASDAQ là nơi đầu tiên áp dụng hệ thống máy tính vào các giao dịch, hiển thị báo giá,… nhằm tăng tốc độ khớp lệnh, cắt giảm chi phí môi giới. NASDAQ ra đời nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư một giải pháp giao dịch cổ phiếu điện tử nhanh chóng và minh bạch, giải quyết gánh nặng thời gian và sự kém hiệu quả của giao dịch chứng khoán trực tiếp.
Ban đầu, sàn NASDAQ chỉ cung cấp bảng báo
giá điện tử (giá mua - bán của các mã cổ phiếu), tuy nhiên việc này làm giảm
lợi nhuận của các công ty môi giới rất nhiều lần vì vậy họ không hề thích việc
này. Mãi cho đến năm 1998, NASDAQ mới chính thức được công nhận là sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến đầu
tiên. Như vậy, phải mất tới gần 30 năm để thị trường giao dịch chứng khoán
chuyển từ hình thức giao dịch OTC sang hình thức online, và NASDAQ ở đó đóng
một vai trò tiên phong.
Hiệu suất hàng năm của các chỉ số Nasdaq (Nguồn: nasdaq.com)
Sàn NASDAQ là nơi niêm yết của 3889 công ty đến từ 10 ngành chính với khối lượng giao dịch trên 1,8 tỷ giao dịch/ngày. Phần lớn các công ty thuộc ngành công nghệ, dịch vụ khách hàng và y tế v.v, với sự góp mặt của nhiều tập đoạn lớn, tiêu biểu như PepsiCo., PayPal và Amazon. NASDAQ thường có nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhanh và không có nhiều cổ phiếu blue chip như NYSE. Vì vậy, có thể nói chỉ số này có nhiều biến động hơn, tương đối bắt mắt và linh hoạt. Hiện nay, chỉ số Nasdaq giữ một vai trò quan trọng đối với các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ và quốc tế. 2 chỉ số chủ yếu được xem xét nhiều nhất trong bộ chỉ số Nasdaq là Nasdaq Composite và Nasdaq 100.
2. Chỉ số Nasdaq là gì?
Chỉ số Nasdaq là một bộ chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ, đại diện cho các doanh nghiệp đang được niêm yết trên sàn NASDAQ. Bản thân Nasdaq là một bộ chỉ số lớn nên nó lại bao gồm những chỉ số nhỏ hơn. 2 chỉ số điển hình nhất là Nasdaq 100 và Nasdaq Composite.
Nasdaq Composite thuộc Top 3 chỉ số tốt nhất nước Mỹ hiện nay
Chỉ số Nasdaq Composite (ký hiệu: IXIC) được công bố lần đầu năm 1971 với giá trị bắt đầu là 100. Chỉ số này được xác lập dựa trên giá trị vốn hóa thị trường của tất cả các doanh nghiệp đang được niêm yết trên sàn NASDAQ. Giá trị của Nasdaq Composite được ấn định vào lúc 16:16 UTC+7 hàng ngày và được tính toán, cập nhật biến động liên tục trong mỗi ngày giao dịch.
Đây là chỉ số điển hình nhất, mang tính tổng hợp nhất của sàn giao dịch NASDAQ. Hiện tại, Nasdaq Composite cùng với Dow Jones và S&P 500 tạo thành bộ ba chỉ số quan trọng nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Trên thực tế, chỉ số Nasdaq Composite tập hợp phần lớn các cổ phiếu công nghệ. Trong danh sách top 20 cổ phiếu nổi bật trên sàn NASDAQ, dễ dàng thấy được gần như tất cả những cái tên của các ông lớn toàn cầu. Do đó, chỉ số NASDAQ Composite là một thước đo “sức khỏe” của lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp nói chung và cũng thường được coi là một chỉ số cho các lĩnh vực mới của nền kinh tế Mỹ.
Chỉ số Nasdaq 100 (ký hiệu NDX) được xem là một trong những chỉ số chứng khoán mới của nước Mỹ ra mắt vào năm 1985. Đây là chỉ số chứng khoán theo dõi mã cổ phiếu của 100 doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính có giá trị vốn hóa cao nhất trên sàn chứng khoán NASDAQ. Các cổ phiếu trong lĩnh vực tài chính sẽ được phản ánh bằng chỉ số Nasdaq Financial. Nasdaq 100 tập trung vào những doanh nghiệp hoạt động mạnh mẽ trên sàn, chủ yếu thuộc các lĩnh vực:
● Công nghiệp
● Bán lẻ
● Công nghệ
● Giao thông vận tải
● Công nghệ sinh học
● Chăm sóc sức khỏe
● Viễn thông
● Truyền thông và Dịch vụ
Nasdaq 100 bao gồm cả những doanh nghiệp quốc tế ngoài lãnh thổ nước Mỹ đang được niêm yết tên trên sàn NASDAQ.
Do chứa nhiều loại cổ phiếu trong chỉ số Nasdaq Composite, Nasdaq 100 ảnh hưởng đến sự biến động của Nasdaq Composite tới hơn 90%. Đây được xem như là một chỉ báo kinh tế tại Hoa Kỳ và trên cả toàn cầu. Trên thực tế, do các cổ phiếu công nghệ cũng chiếm phần lớn trong chỉ số nên Nasdaq 100 cũng đóng vai trò như một chỉ số cho lĩnh vực này, giúp nhà đầu tư đánh giá tiềm năng, môi trường đầu tư vào thị trường công nghệ. Đây cũng là lựa chọn kiếm lời ngắn hạn không tồi cho những ai yêu thích cổ phiếu công nghệ.
Những công ty có cổ phiếu được niêm yết trên sàn NASDAQ, và thậm chí được tính trong công thức của Nasdaq 100 thì khả năng huy động vốn là rất cao và có sức khỏe tài chính tốt.
Ra đời trong cùng năm 1985, Nasdaq Financial được xây dựng để theo dõi hiệu suất của 100 công ty trong lĩnh vực tài chính bao gồm: bảo hiểm, ngân hàng, thế chấp, bất động sản và kinh doanh chứng khoán. Xét trong tương quan lợi nhuận so với Nasdaq composite và Nasdaq 100 thì chỉ số Nasdaq Financial có tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn. Năm 2020 chỉ số này chỉ tăng 1.07%, cho thấy tình hình ngành tài chính tại Mỹ đang chững lại do tác động xấu từ đại dịch Covid-19. Tương tự như hai chỉ số Nasdaq Composite và Nasdaq 100, Nasdaq Financial cũng là một chỉ số để giao dịch, đặc biệt giúp nhà đầu tư đánh giá về thị trường tài chính.
3. Có nên đầu tư vào Nasdaq?
Dù phải đối diện với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, chỉ số Nasdaq đạt mức tăng trưởng tốt nhất toàn cầu trong năm 2020 với 44%. Đây là một con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang lao đao vì đại dịch, thêm vào đó là những bất ổn chính trị do Bầu cử Mỹ gây ra. Trong thời điểm đó, Nasdaq trở thành là chỉ số đầu tư hot và tương đối an toàn dành cho các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Có thể thấy tiềm năng phát triển của sàn chứng khoán này là vô cùng lớn và bền vững với sự quy tụ của hơn 3.200 công ty hàng đầu tại Mỹ. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, dù trải qua những thăng trầm nhất định, cổ phiếu trên sàn NASDAQ vẫn đạt mức tăng trưởng nhanh và ổn định. Chính vì điều này, nhà đầu tư có nhu cầu tham gia thị trường chứng khoán Mỹ hoàn toàn có thể an tâm và lựa chọn cổ phiếu của sàn NASDAQ.
Lời kết
Kể từ khi thành lập đến nay, NASDAQ đã chứng tỏ vị thế dẫn đầu của một sàn giao dịch chứng khoán điện tử lớn nhất tại Mỹ về khối lượng giao dịch và lớn thứ hai thế giới. Chỉ số Nasdaq cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phân tích thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư quốc tế. Hy vọng bài viết này đã mang đến những kiến thức hữu ích về sàn NASDAQ cũng như chỉ số Nasdaq cho những ai đang quan tâm đến thị trường tài chính quốc tế.
Comments
D. jhon shikon milon
Is this article helpful to you?
LikeReply