Cách chơi chứng khoán phái sinh?
1. Thị trường chứng khoán phái sinh là gì? Chúng hoạt động ra sao?
Trước hết để hiểu được cơ chế hoạt động của thị trường này, ta cần nắm rõ định nghĩa chứng khoán phái sinh là gì. Về cơ bản, chứng khoán phái sinh là các hợp đồng tài chính đại diện cho từng tài sản tài chính tương ứng. Giá trị của các hợp đồng này được xác định dựa trên giá trị của tài sản tài chính đó (cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, kim loại...) qua sự thỏa thuận của hai bên mua và bán. Bốn loại chứng khoán phái sinh chính hiện nay bao gồm hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng hoán đổi.
Qua đó, thị trường chứng khoán phái sinh là nơi để các nhà đầu tư trao đổi và buôn bán tài sản tài chính dưới dạng hợp đồng. Điểm đặc biệt của thị trường này nằm ở chỗ, các nhà đầu tư có thể dự đoán chuyển biến giá của một tài sản, sau đó ký kết hợp đồng quy định rõ giá mua và giá bán tại một thời điểm trong tương lai mà không cần phải thực sự mua tài sản đó. Trong nhiều trường hợp, việc đầu tư vào chứng khoán phái sinh có thể sinh lời cao hơn đầu tư vào bản thân loại tài sản và hạn chế tối đa rủi ro.
2. Sự khác biệt giữa chứng khoán đảm bảo bằng tài sản và chứng khoán phái sinh là gì?
Tương tự như chứng khoán phái sinh, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (Asset-backed security, ABS) cũng là một loại tài sản tài chính đại diện cho một tài sản. Tuy dễ bị nhầm lẫn với nhau nhưng hai loại chứng khoán này lại có khá nhiều điểm khác biệt:
- Tài sản đại diện: Như đã đề cập, chứng khoán phái sinh đại diện cho các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, kim loại… nhưng chứng khoán đảm bảo bằng tài sản lại đại diện cho một tài sản thực như khoản vay, nợ thẻ tín dụng, thế chấp…
- Quyền sở hữu: Ngoài ra, một điểm khác nhau giữa hai loại chứng khoán này nằm ở mối liên hệ với tài sản. Chứng khoán đảm bảo bằng tài sản đại diện cho quyền sở hữu (một phần) đối với tài sản được đảm bảo, trong khi đó chứng khoán phái sinh hoàn toàn không cho nhà đầu tư bất cứ quyền sở hữu nào đối với tài sản được đại diện.
3. Cách giao dịch chứng khoán phái sinh
Nhà đầu tư chỉ cần làm theo 5 bước cơ bản để bắt đầu giao dịch chứng khoán phái sinh:
- Bước 1 – Mở tài khoản giao dịch: Để bắt đầu thực hiện đầu tư bất cứ tài sản tài chính nào, ta đều cần mở tài khoản giao dịch. Trước hết, nhà đầu tư có tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở thông thường trước rồi mới mở được tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh. Bạn có thể trực tiếp tới văn phòng của sàn giao dịch hoặc mở tài khoản trực tuyến đều được. Một số công ty có dịch vụ mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh bao gồm: CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI)…
- Bước 2 – Đóng tiền ký quỹ: Để kích hoạt tài khoản và tiến hành giao dịch, nhà đầu tư sẽ cần đóng một khoản tiền ký quỹ nhỏ để cam kết sẽ thực hiện giao dịch. Tỷ lệ ký quỹ thông thường sẽ chiếm 15-20% giá trị hợp đồng và có thể đóng quỹ bằng tiền mặt hoặc chứng khoán. Ngoài ra, các nhà đầu tư cá nhân có thể tham khảo phương pháp ký quỹ bằng hợp đồng chênh lệch nhằm tăng số lượng giao dịch mà không cần nhiều vốn bằng cách sử dụng tỷ lệ đòn bẩy. Tuy nhiên cũng cần lưu ý không nên dùng tỷ lệ quá cao để giảm thiểu rủi ro.
- Bước 3 – Đặt lệnh giao dịch: Sau khi đã hoàn thành ký quỹ, nhà đầu tư có thể bắt đầu đặt lệnh mua/bán, song cũng cần chú ý tới yêu cầu và điều khoản giao dịch của tài khoản mà công ty đã đề ra. Có rất nhiều cách để đặt lệnh, ví dụ thông qua bên trung gian, đặt lệnh trực tiếp trên website hoặc trên ứng dụng điện thoại.
- Bước 4 – Bổ sung quỹ/Rút lãi: Nếu tài khoản ngân hàng quy định chủ nhân phải đáp ứng số dư quy định thì tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh cũng vậy. Khi giao dịch, nếu tiền ký quỹ bị hụt so với mức quy định, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu đóng bổ sung tiền ký quỹ để đảm bảo cảm kết. Ngược lại nếu số tiền trong tài khoản vượt mức yêu cầu, nhà đầu tư có thể chọn rút lãi.
- Bước 5 – Theo dõi và đánh giá: Cuối cùng, các nhà đầu tư cần thường xuyên theo dõi tỷ lệ tài khoản (cụ thể là tỷ lệ sử dụng tài khoản phái sinh tại VNDIRECT và tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ tại VSD) để giảm thiểu rủi ro và kịp thời hành động.
4. Ví dụ về chứng khoán phái sinh
Giả sử nhà đầu tư tham gia vào một hợp đồng chênh lệch với chỉ số S&P 500. Ta có giá mua vào là 3.340 USD, mức ký quỹ yêu cầu là 0.5%, hệ số nhân là 1 USD/điểm chỉ số và tỷ lệ đòn bẩy là 400:1.
- Số tiền ký quỹ tối thiểu = 0.5% x 3.340 = 16.7 USD
- Số tiền cần thiết để có vị thế mua = 3.340 / 400 = 8.35 USD
- Số tiền lãi khi giá S&P 500 tăng lên 3.540 USD = (3.540 – 3.340) x 1 = 200 USD
- Phần trăm lãi = 200/16.7 x 100% = 119,8 %
5. Rủi ro khi giao dịch chứng khoán phái sinh
Chứng khoán phái sinh vốn được coi là một công cụ tài chính hữu ích nhằm giúp hạn chế rủi ro biến động giá khi đầu tư, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có rủi ro đi kèm.
- Rủi ro định giá: Thứ nhất, các kỹ thuật quản trị rủi ro hiện đại có thể giúp đánh giá mức độ rủi ro chung của danh mục đầu tư, bao gồm cả chứng khoán phái sinh. Tuy vậy, các nhà đầu tư cần phải dùng tới các mô hình định giá để đánh giá mức độ rủi ro, nhưng tính chính xác của chúng chỉ là tương đối. Các mô hình này có thể không hiệu quả như kỳ vọng của nhà đầu tư và khiến họ lầm tưởng về mức độ rủi ro của danh mục. Bên cạnh đó, hiện ngày càng có nhiều loại chứng khoán mới khó có thể được định giá chính xác. Chính vì vậy, sự thiếu chính xác của các mô hình định giá có thể khiến các nhà đầu tư mắc phải sai lầm trầm trọng.
- Rủi ro tín dụng (credit risk): Khái niệm này chỉ tới trường hợp khi một bên tham gia không thể chi trả số tiền được yêu cầu (hay nói cách khác là vỡ nợ). Rủi ro tín dụng có thể không quá nghiêm trọng đối với nhà đầu tư chứng khoán phái sinh trong các thị trường tập trung bởi chúng được quản lý nghiêm ngặt và buộc các bên thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng, nhưng trong thị trường phi tập trung lại hoàn toàn khác. Các bên tham gia được phép tự do thỏa thuận các điều khoản mà không phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý, do đó rủi ro tín dụng cũng cao hơn rất nhiều.
- Rủi ro thanh khoản (liquidity risk): Đây là loại rủi ro các bên tham gia phải đối mặt khi một bên không có khả năng thanh toán bằng tiền mặt tức thời, hoặc có thể nhưng lại phải chịu chi phí rất cao. Rủi ro thanh khoản không chỉ được áp dụng cho hợp đồng phái sinh mà còn cho tất cả thị trường tài chính trong giai đoạn biến động giá mạnh. Các loại chứng khoán có tính thanh khoản thấp thường rất khó để xác định giá trị thị trường, đặt biệt khi các mô hình định giá không thể đưa ra kết quả chính xác hoàn toàn, do đó giá bán có thể khác xa hoàn toàn so với dự kiến.
- Rủi ro chiến lược: Ngoài ra, các nhà đầu tư khi giao dịch hợp đồng chênh lệch có thể tận dụng tỷ lệ đòn bẩy để khuếch đại lợi nhuận, nhưng nếu tính toán sai và bị thua lỗ có thể sẽ khiến hậu quả trở nên trầm trọng hơn.
- Rủi ro ký quỹ: Một điều các nhà đầu tư cần lưu ý chính là các công ty chứng khoán sẽ hạch toán lãi lỗ của tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh mỗi ngày. Và bởi số tiền ký quỹ cần đáp ứng đủ mức yêu cầu, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao và đóng tiền bổ sung kịp thời để không bị đóng tài khoản, dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng như thua lỗ, thậm chí phá sản.
Comments
D. jhon shikon milon
Is this article helpful to you?
LikeReply